Từ thực tế đó, thực hiện nhiệm vụ của mình trong việc quyết định các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở cơ sở, những năm qua HĐND tỉnh Cà Mau quan tâm thực hiện công tác tiếp xúc cử tri và giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở… Qua công tác tiếp xúc cử tri và giám sát, HĐND tỉnh Cà Mau tiếp nhận nhiều ý kiến kiến nghị về chế độ chính sách đối với cán bộ cơ sở… HĐND tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết liên quan như: Nghị quyết về việc điều chỉnh mức phụ cấp dựa trên hệ số lương tối thiểu đối với cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; Nghị quyết về việc điều chỉnh mức phụ cấp dựa trên hệ số lương tối thiểu đối với cán bộ không chuyên trách ấp, khóm, mức khoán kinh phí hoạt động hàng tháng đối với ấp, khóm… Mặt khác để thu hút đội ngũ cán bộ có trình độ cao về công tác tại cơ sở, khuyến khích cán bộ, công chức học tập, nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở, HĐND tỉnh Cà Mau đã ban hành Nghị quyết về mức hỗ trợ kinh phí đào tạo và thu hút nguồn nhân lực của tỉnh.
Nhìn chung, việc thực hiện chế độ, chính sách nói chung và việc HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết cụ thể về mức hỗ trợ cũng như định mức hoạt động cho cán bộ không chuyên trách xã, ấp thời gian qua đã tạo tâm lý an tâm, phấn khởi hơn đối với cán bộ, công chức cơ sở. Thông qua hoạt động thực tiễn, nhiều cán bộ đã tích luỹ được kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là trong quản lý, điều hành, cụ thể hoá các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Cụ thể như: tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng bình quân hằng năm từ 10% trở lên; thu nhập bình quân đầu người từ 1.000 USD năm 2010 lên 1.220 USD năm 2011; thu ngân sách từ 2.639 tỷ đồng năm 2010 lên 3.707 tỷ đồng năm 2011, tăng trên 40% so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2011 giảm còn 10,51%...
Tuy nhiên, việc thực hiện một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách ở cơ sở hiện nay vẫn còn một số bất cập. Số lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở còn thiếu so với quy định. Tổng số cán bộ, công chức cấp xã hiện nay có 6.314/7.315 người, trong đó: cán bộ chuyên trách 1.096/1.204 người; công chức cấp xã 718/1.227 người; cán bộ không chuyên trách 4.500/4.884 người và ấp, khóm là 2.715/2.844 người. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở còn hạn chế, cơ cấu chưa đồng bộ; trình độ, năng lực lãnh đạo của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu; có 66% chưa qua đào tạo để có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên (trong đó cán bộ chủ chốt cấp xã chiếm trên 48%), có 46% chưa được bồi dưỡng về chính trị, 46% chưa tốt nghiệp Trung học phổ thông, hơn 90% chưa được bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước, số cán bộ biết sử dụng công nghệ thông tin trong công tác của mình còn ít. Từ đó, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở còn thấp, chưa đủ sức phát hiện, giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh ở cơ sở.
Bên cạnh đó, chế độ, chính sách đối với cán bộ cấp cơ sở còn những bất cập nhất định, đời sống còn khó khăn nên họ chưa an tâm công tác, đây cũng chính là nguyên nhân chưa thu hút được cán bộ, sinh viên có năng lực, trình độ về công tác tại cơ sở. Với thực trạng gần 50% cán bộ chủ chốt cấp xã chưa đủ chuẩn chuyên môn như hiện nay, Nghị định 92/2009/NĐ-CP đã tạo ra một sự “phân biệt” trong đội ngũ cán bộ chuyên trách ở mỗi địa phương. Thực tế cho thấy, để trở thành cán bộ chủ chốt, người cán bộ không chỉ có trình độ chuyên môn, chính trị mà còn đòi hỏi về sự tín nhiệm của cán bộ, nhân dân địa phương, kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý tại cơ sở… Hơn nữa, chức trách, nhiệm vụ của cán bộ chủ chốt cơ sở gần giống nhau và rất nặng nề nhưng chế độ đãi ngộ, lương và các quy định về chế độ phụ cấp kiêm nhiệm… đối với số cán bộ chưa đủ chuẩn là chưa đảm bảo công bằng và tương xứng với trách nhiệm cũng như cống hiến của họ.
Về mức phụ cấp của cán bộ không chuyên trách ở cấp xã theo Nghị định 92 quy định không vượt quá hệ số 1,0 mức lương tối thiểu chung là quá thấp, chưa khuyến khích các đối tượng này tích cực tham gia hoạt động. Thực tế ở Cà Mau, năm 2007 HĐND tỉnh đã quyết mức phụ cấp hàng tháng cho cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn bằng hệ số 1,35 và 1,25 mức lương tối thiểu chung; đối với ấp, khóm bằng hệ số 0,6 và 0,4 mức lương tối thiểu chung, mỗi ấp, khóm bố trí 10 chức danh (theo Nghị định 92 được bố trí không quá 03 người) và được thực hiện từ năm 2007 đến nay. Do vậy, hằng năm ngân sách tỉnh phải chi một khoản khá lớn ngoài quy định của Nghị định 92 để trả phụ cấp cho các cán bộ cấp cơ sở. Tuy việc thực hiện mức phụ cấp cho cán bộ cơ sở theo Nghị quyết của HĐND tỉnh là chưa đúng với Nghị định 92, nhưng với tình hình thực tế hiện nay cần phải vận dụng nhằm góp phần ổn định cuộc sống cũng như tâm lý của cán bộ, công chức cơ sở.
Một vấn đề rất bức xúc hiện nay là cán bộ không chuyên trách cấp cơ sở không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như cán bộ chuyên trách và công chức là chưa phù hợp, chưa đảm bảo công bằng và tương xứng với trách nhiệm cũng như cống hiến của cán bộ không chuyên trách.
Qua đó thấy rằng, chính sách đối với cán bộ đúng đắn và hiệu quả phải là một hệ thống những quy định thống nhất, đồng bộ, hợp lý trên tất cả các mặt, từ đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng, bố trí, đãi ngộ về lợi ích vật chất và động viên tinh thần, đảm bảo sự tương xứng và công bằng đối với đóng góp của từng chức danh cán bộ, nhằm phát huy đến mức cao nhất năng lực của mỗi cán bộ. Trong đó, chính sách đãi ngộ về vật chất và động viên tinh thần có ý nghĩa quan trọng, là động lực nâng cao chất lượng cán bộ, cũng như hiệu quả công tác của mỗi cán bộ. Chính sách đối với cán bộ cơ sở phù hợp cũng là điều kiện để thu hút nguồn cán bộ trẻ, sinh viên có năng lực và trình độ chuyên môn về công tác tại cơ sở; nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ cơ sở có chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của mỗi địa phương trong từng giai đoạn cách mạng.
Phạm Ngọc